Thị trường bất động sản trên cả nước năm 2019 tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, phát triển tương đối ổn định, không có biến động bất thường, “bong bóng”... là những đánh giá của Bộ Xây dựng tại Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 của ngành xây dựng. Bước sang năm 2020, việc tái cơ cấu thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung- cầu sản phẩm bất động sản, minh bạch thông tin thị trường… tiếp tục là mối quan tâm của Bộ Xây dựng và các địa phương trên cả nước.
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản năm 2019 phát triển tương đối ổn định, kể cả về nguồn cung, số lượng giao dịch, giá cả, dư nợ tín dụng và vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đánh giá dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường thì có thể dự báo thị trường bất động sản đến năm 2020 ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng bất động sản”. Tuy nhiên, có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, tại một số đô thị lớn cũng có khả năng xảy ra tình trạng sốt nóng cục bộ tại các dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp thị trường.
Sản phẩm bất động sản shophouse tại trung tâm quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Thực hiện Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp, tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn hộ với tổng diện tích 4.290.500m2 và đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn hộ với tổng diện tích khoảng 8.982.000m2. Trong năm 2019 đã hoàn thành 9 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô khoảng 4.110 căn hộ với diện tích sàn 205.500m2. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, chỉ đạt khoảng 34,3% so với mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 12.500.000m2 nhà ở xã hội.
Theo báo cáo tại 60/63 địa phương (trừ Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Hậu Giang), các địa phương hiện có 2.256 dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị với tổng diện tích đất là 43.783ha. Trong đó, chỉ có 1.040 dự án dành quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với tổng diện tích đất đã bố trí phát triển nhà ở xã hội 3.359ha; đạt 36,34% so với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội năm đến năm 2020. Còn lại 1.216 dự án chưa thực hiện nghĩa vụ dành quỹ đất cho nhà ở xã hội hoặc thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp tiền. Trong số 1.040, dự án dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội có tới 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích 1.375,66ha. Trong đó, tại Hà Nội có 57 dự án; TP Hồ Chí Minh có 41 dự án; Hải Phòng 15 dự án; Đà Nẵng 15 dự án; Cần Thơ có 2 dự án; còn lại là các địa phương khác. Căn cứ vào thực tiễn phát triển nhà ở tại các địa phương, trong năm 2020, Bộ Xây dựng xác định sẽ tiếp tục đôn đốc triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; đặc biệt là quan tâm phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình chính sách về nhà ở; phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, cơ chế chính sách đối với các chương trình hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách.
Thời gian qua, thị trường bất động sản dù không có dấu hiệu “bong bóng” nhưng vẫn có một số khó khăn nhất định như có dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung ở một số phân khúc, trong đó, có phân khúc nhà ở xã hội. Đặc biệt, tình trạng hoạt động kinh doanh bất động sản vi phạm quy định pháp luật cũng có chiều hướng gia tăng với các hình thức: quảng cáo thông tin không đúng sự thật để tăng giá; vi phạm quy hoạch, chia lô, bán nền trái quy định xảy ra còn tương đối phổ biến. Các chuyên gia cũng cho rằng, hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản đã được ban hành tương đối đầy đủ nhưng còn chồng chéo, thiếu cụ thể; khó áp dụng trong thực tiễn. Một số nội dung liên quan đến chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với một số loại hình bất động sản đa năng: căn hộ du lịch, biệt thự, du lịch, căn hộ văn phòng chậm được ban hành, nhà ở xã hội phát triển chậm...
Những khó khăn, hạn chế của thị trường bất động sản đòi hỏi các địa phương cùng tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản, tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, đảm bảo ổn định, tăng trưởng bền vững, hiệu quả, hạn chế tối đa các biểu hiện cực đoan. Vì thế, Bộ Xây dựng cũng đã đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình, tổng hợp các ý kiến góp ý, đề xuất của các địa phương để có giải pháp kiến nghị với Chính phủ nhằm đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định lành mạnh và nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Theo đó, thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội. Quan trọng là phải nỗ lực khắc phục lệch pha cung- cầu bất động sản; phát triển đa dạng các loại hàng hóa bất động sản nhà ở; đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội ở khu vực đô thị, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho thuê. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, mô hình hợp lý để huy động các nguồn lực đầu tư; kiểm soát chặt chẽ về quy hoạch và khai thác sử dụng hiệu quả của đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN